KỸ THUẬT NUÔI CÁ AO
Thứ sáu - 13/12/2019 02:38
I. Chuẩn bị ao nuôi cá
1. Chọn ao
- Diện tích khoảng từ 300-3000m2, tốt nhất từ 500 đến 1500 m2
- Nước sâu: 1,2-2,0m
- Đáy có lớp bùn dày 15 – 20 cm dốc về phía cống thoát nước.
- Có cống cấp và tháo nước thuận tiện.
- Ao gần nguồn nước sạch có đăng cống chắc chắn để giữ nước và chắn cá.
- Mặt ao thoáng, bờ ao không bị rò rỉ và cao hơn mực nước cao nhất trong năm từ 0,4-0,5 m.
2. Tẩy dọn ao
- Ao trước khi thả cá phải tát cạn, bắt hết cá tạp và khử trùng, diệt địch hại.
- Phát quang, dọn cỏ quanh bờ, vét bùn đáy, sửa lại bờ và đăng cống.
- Tẩy vôi: Sau khi tát cạn và vét bớt bùn đáy, dùng vôi bột tẩy ao để khử chua và diệt tạp. Lượng vôi tẩy 7-10 kg vôi cho 100m2, nếu ao chua có thể dùng từ 10-15kg/100 m2 (vôi đã tôi thì lượng dùng gấp 2 lần vôi bột). Vôi bột (hoặc vôi tôi đã hoà nước) được vãi đều khắp đáy ao và xung quanh bờ, dùng cào hoặc bừa cho vôi lẫn với bùn ao.
- Phơi đáy: ít nhất 3-5 ngày để diệt tạp, địch hại, mầm bệnh, phân huỷ chất độc hại, làm tăng khả năng hấp thụ ánh sáng, oxy, cân bằng độ pH...
- Sau khi đã phơi đáy ao tiến hành bón lót 30 - 40 kg phân chuồng; 40 - 50kg phân xanh cho 100m2. Bón phân có tác dụng làm cho sinh vật đáy, sinh vật phù du phát triển, tăng nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Cách bón: Phân chuồng rải đều mặt đáy ao, phân xanh bó thành từng bó 8-10 kg đặt vào góc ao. Dùng bừa hoặc cào san phẳng đáy ao để cho phân bón lẫn trong bùn.
- Cấp nước vào ao nuôi, ban đầu lấy mực nước sâu khoảng 40 – 50cm. Sau khi bón lót 3- 4 ngày, tiến hành lấy đủ nước vào ao rồi thả cá. Nước lấy vào ao phải được lọc qua bằng phên chắn hoặc bằng lưới mắt nhỏ để tránh các loại cá tạp hay địch hại theo nước vào ao.
II. Thả cá
1. Cỡ cá giống
- Trắm cỏ: 10 -12cm/con
- Mè trắng, Mè hoa: 8 - 12cm/con
- Chép : 4 - 6cm/con |
- Rô phi: 5 - 6cm/con
- Mrigan, rôhu, trôi trắng: 8 - 10cm/con. |
Trong trường hợp cụ thể cá giống có thể lớn hơn để rút ngắn thời gian nuôi và tận dụng thời vụ sinh trưởng. Song không nên thả cá giống cỡ nhỏ, cá sẽ chậm lớn và hao hụt nhiều.
2. Chọn cá
Cá giống phải đảm bảo tiêu chuẩn sau:
- Cá giống có nguồn gốc rõ ràng.
- Dấu hiệu bên ngoài của cá: Cá khoẻ mạnh, không bị bệnh, không dị hình. Cá nhìn bề ngoài sáng bóng, vây, vẩy nguyên vẹn, cân đối. Cỡ cá đồng đều.
- Hoạt động: cá bơi lội hoạt bát, bơi chìm và bơi theo đàn.
3. Mật độ thả
Tuỳ theo ao lớn, nhỏ, màu nước ao tốt hay xấu, trình độ nuôi thâm canh, khả năng đầu tư chăm sóc, quản lý, mục tiêu năng suất... để chọn loại cá nuôi chính và mật độ thích hợp. Mật độ thả thường dao động từ 1,5 - 3 con/m2 ao.
Người nuôi có thể tham khảo một số công thức nuôi ghép sau:
Đối tượng nuôi chính |
Trắm cỏ (%) |
Mè trắng (%) |
Mè hoa
(%) |
Trôi
(%) |
Chép
(%) |
Rô phi
(%) |
Trắm cỏ là chính |
40 |
15 |
5 |
20 |
10 |
10 |
Cá Trôi làm chính |
10 |
15 |
3 |
60 |
7 |
5 |
Cá mè làm chính |
10 |
45 |
3 |
30 |
7 |
5 |
Cá rô phi làm chính |
5 |
15 |
5 |
20 |
5 |
50 |
4. Mùa vụ thả cá
Cá có thể thả quanh năm nhưng tốt nhất là từ tháng 3- 4.
Cách thả cá: Cá giống phụ thuộc lớn vào môi trường nước nên phải để cho cá làm quen với môi trường nước mới. Cá sau khi lấy về phải thả các túi cá xuống ao trong khoảng 5 phút, đồng thời hoà từ từ nước ao vào cho nhiệt độ trong túi cá cân bằng với nhiệt độ của nước ao, sau đó nghiêng túi cho cá tự bơi ra ao là tốt nhất (toàn bộ thời gian thả cá kéo dài khoảng 15 đến 20 phút, nếu nhiệt độ trong túi chứa cá với ao có sự chênh lệch lớn thì thời gian thả cá có thể dài hơn). Thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát khi nước trong ao đang ở nhiệt độ thấp.
III. Thức ăn của cá
1. Thức ăn tự nhiên của cá
Là các loại thức ăn có sẵn trong ao, hồ như: Rong, rêu, cỏ rác, mùn bã hữu cơ, các loại động, thực vật phù du, vi sinh vật, động thực vật sống ở đáy ao, côn trùng sống trong nước là thức ăn ưa thích cho mỗi loài cá.
Thức ăn tự nhiên là loại thức ăn rất cần thiết cho cá, ngoài cung cung cấp dinh dưỡng còn cung cấp thêm các vitamin, các chất vi lượng, tuy nhiên lượng thức ăn tự nhiên có trong ao, hồ có hạn nên không đủ cho nhu cầu nuôi cá tăng sản, nên thường phải dùng cả các loại thức ăn khác như phân bón, thức ăn xanh, thức ăn hỗn hợp công nhiệp hoặc tự chế theo phương pháp thủ công.
2. Thức ăn do con người cung cấp
1. Thức ăn xanh: Gồm các loại bèo tấm, bèo hoa dâu, cỏ, rong rêu, ngô, lúa non, lá sắn, lá chuối, râu lấp... Thức ăn xanh chủ yếu cho cá trắm cỏ và một số loài cá khác ăn tạp như: Cá chép, rôphi, họ cá trôi, cá trê lai, cá chim trắng...Khi thiếu thức ăn hỗn hợp, thức ăn xanh là nguồn bổ sung quan trọng trong quá trình tăng trọng của cá.
2. Thức ăn tinh: Là loại thức ăn trực tiếp cho cá ăn như: Bột, hạt các loại ngũ cốc, đậu tương, bột cá nhạt, một số củ quả, thức ăn hỗn hợp có thể cho cá ăn bổ sung với lượng 2-3% khối lượng cá có trong ao.
3. Phân bón: Bao gồm phân chuồng đã ủ hoai, lá dầm...là loại thức mà cá và động vật thuỷ sinh có thể sử dụng ngay một phần, còn lại nhờ vi khuẩn phân huỷ thành các chất dinh dưỡng trong nước, tạo điều kiện cho sinh vật phù du động vật sống ở đáy ao, côn trùng ….phát triển. Các loài động thực vật này trở thành thức ăn cho các loài cá nuôi.
Phân vô cơ được sử dụng khi cần bổ sung các chất dinh dưỡng trong ao.
IV. Chăm sóc
1. Bón phân
1.1. Phân chuồng: Một tuần bón phân 1 lần, mỗi lần bón 10-15 kg phân chuồng loại 1 cho 100m2, bón phân vào một góc cố định, trường hợp ao có diện tích lớn, có thể bón 2-3 điểm cố định.
1.2. Phân xanh: Phân xanh bón với lượng 40-50kg/100m2 tháng bón 2 lần.
Gồm các cây thân mềm, các loại lá xanh đều có thể bón cho ao nuôi, phân xanh được bó thành từng bó 8-10 kg để ở vị trí cố định chìm trong nước dùng cho cá rất tốt.
1.3. Phân vô cơ: Phân vô cơ bón xuống ao với lượng phân đạm 0,2kg, lân 0,4kg trên 100m2 ao/tuần, hoà tan ra nước té đều trên mặt nước ao váo buổi sáng lúc có ánh nắng mặt trời.
(Chú ý: Bón phân vô cơ và hữu cơ xen kẽ. Lượng phân bón cần điều chỉnh theo màu nước ao)
2. Cho cá ăn
2.1. Thức ăn xanh: Đối với cá Trắm cỏ, hàng ngày cho cá ăn thức ăn xanh, lượng thức ăn cho ăn hằng ngày bằng 25 - 30% trọng lượng cá trắm cỏ trong ao, những ngày rét cá ăn ít hơn.
2.2. Thức ăn tinh: Lượng thức ăn tinh cho ăn hàng ngày bằng 5-2% khối lượng cá có trong ao, cá càng lớn thì tỷ lệ thức ăn theo trọng lượng cơ thể giảm dần.
Cũng có thể cho cá ăn hoàn toàn bằng thức ăn hỗn hợp, thức ăn hỗn hợp viên theo bảng sau:
Bảng: Chế độ cho cá ăn và khẩu phần ăn của cá khi sử dụng thức ăn công nghiệp
Cỡ cá
(g/con) |
Loại thức ăn |
Lượng cho ăn
(% trọng lượng) |
Ghi chú |
5-20
20-100
100-300
> 300 |
Dạng viên mảnh
30% đạm
Dạng viên nén
26% đạm
Dạng viên nén
22% đạm
Dạng viên nén
18% đạm |
5
3,5 - 3
3
2 |
Bón thêm 0,2 kg đạm + 0,4kg lân /100m2ao/ tuần.
Bón thêm 0,2kg đạm + 0,4kg lân/100m2 ao / tuần.
Thay nước 1 lần/ tháng.
Thay nước 2 lần/ tháng |
V. Quản lý ao nuôi cá
Hàng ngày, quan sát cá trong ao 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Phải theo dõi ao thường xuyên vào những ngày mới thả cá giống, ngày mưa to, thời tiết thay đổi, mùa phát sinh bệnh.
- Theo dõi các hoạt động của cá để điều chỉnh lượng thức ăn, phân bón và điều chỉnh mực nước.
- Thay nước, thêm nước cho vào ao 1 tháng 1 lần, mỗi lần thay khoảng 1/3 đến 1/4 số nước có trong ao.
- Điều chỉnh lượng phân bón theo mùa, theo thời tiết, theo độ sâu của nước trong ao, theo màu nước và sự hoạt động của cá.
- Theo dõi lượng oxy hoà tan trong ao nếu thấy cá nổi đầu nhiều giờ trong ngày,cá bơi dạt vào bờ người nuôi cần cấp thêm nước vào ao và ngừng bón phân.
- Đặc biệt, chú ý hiện tượng cá nổi đầu, khi thấy cá nổi đầu trên mặt ao, có thể do nhiều nguyên nhân như: thiếu oxy, môi trường nước xấu phải thay nước kịp thời hoặc cá bị bệnh phải chuẩn đoán, xử lý nước ao và các biện pháp phòng trị cụ thể và kịp thời.
- Dùng vôi định kỳ tháng 2 lần để hạn chế dịch bệnh với lượng 1-2 kg/100m3.
- Cho cá ăn thuốc Tiên Đắc phòng bệnh trước mùa xuất hiện bệnh, đối với cá trắm cỏ thường bị bệnh từ tháng 4-6 và tháng 9-11 trong năm.
- Chống lũ lụt, diệt địch hại hoặc các sự cố khác xảy ra.
VI. Thu hoạch cá
Sau khi nuôi cá được 6-7 tháng, cá đạt trọng lượng trên 800g/con có thể thu hoạch.
Đánh bắt toàn bộ cá hoặc chỉ thu những cá thể đạt trọng lượng thương phẩm, những cá thể nhỏ có thể nuôi thêm 1 tháng nữa sẽ đạt trọng lượng thương phẩm vì khi đó mật độ đã thưa cá rất nhanh lớn.
Để hạn chế mùi bùn, trước khi thu hoạch 1-2 tuần nên tích cực thay nước sạch; hạn chế sự phát triển của tảo sẽ nâng cao chất lượng cá thương phẩm.
Dụng cụ chứa đựng và bảo quản cá thương phẩm phải được vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Nam
Nguồn tin: Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản